Thủ tướng Chính phủ đã ký 3 Công điện để chỉ đạo xử lý các vấn đề cấp bách của nền kinh tế và thị trường bất động sản, yếu tố rất tác động lớn tới diễn biến thị trường 2023. Nêu nhận định tại Diễn đàn “Dự báo thị trường bất động sản 2023” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Hiệp hội bất động sản Việt Nam tổ chức sáng 23/12, các chuyên gia kinh tế cho rằng, thị trường bất động sản đang gặp rất nhiều khó khăn, song những chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Thủ tướng Chính phủ sẽ tạo ra những thay đổi căn bản để phục hồi và phát triển thị trường bất động sản Việt Nam.
Tháo gỡ cho thị trường bất động sản
Việc Chính phủ nhìn nhận một cách thẳng thắn những khó khăn và vai trò của thị trường bất động sản, từ đó có các chính sách giải quyết kịp thời là cơ sở rất lớn để năm 2023 thị trường bất động sản (BĐS) khởi sắc.
Một lần nữa, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành liên quan chủ động rà soát khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án bất động sản; đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật theo thẩm quyền còn chồng chéo, bất cập.
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng; ban hành các văn bản theo thẩm quyền hoặc đề xuất ban hành Nghị định của Chính phủ hướng dẫn về quy trình, trình tự, thủ tục triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội và khu đô thị.
Theo đó, phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, những chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Thủ tướng Chính phủ sẽ tạo ra những thay đổi căn bản để phục hồi và phát triển thị trường BĐS Việt Nam.
Thứ nhất, các cơ quan, bộ ngành cần chủ động làm việc với địa phương cũng như doanh nghiệp trong việc xác định khó khắn, vướng mắc trong việc triển khai các dự án bất động sản. Dựa vào đó đưa ra các giải pháp cần thiết, cấp bách để tháo gỡ khó khăn kịp thời, vượt qua thách thức, thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Thứ hai, các bộ ngành rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật theo thẩm quyền còn chồng chéo, bất cập gây cản trở trong triển khai thực hiện dự án BĐS thuộc lĩnh vực xây dựng, quy hoạch, phát triển đô thị, nhà ở, kinh doanh BĐS; sớm ban hành các văn bản về quy trình, trình tự, thủ tục triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội và khu đô thị.
Thứ ba, nguồn vốn cho thị trường BĐS sẽ được cung ứng đầy đủ theo mục tiêu, linh hoạt và nhịp nhàng hơn. Đặc biệt, yêu cầu về việc giải ngân nhanh chóng, đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng đối với các doanh nghiệp, dự án BĐS đủ điều kiện theo đúng quy định của pháp luật sẽ được đặt lên hàng đầu.
Cũng theo ông Đính, ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, qua nắm bắt thông tin từ các doanh nghiệp hội viên Hiệp hội BĐS Việt Nam, tâm lý của doanh nghiệp và thị trường đang dần được phục hồi và vững tâm hơn để vượt qua thách thức. Các doanh nghiệp BĐS, các doanh nghiệp có liên quan đang tích cực, chủ động cơ cấu lại các phân khúc khách hàng, các sản phẩm, giá cả, thời hạn thanh toán, phương thức thanh toán… phù hợp, khả thi, thuận lợi cho khách hàng, người dân, nhất là những đối tượng có nhu cầu thực sự và có tính khả thi.
Thị trường sẽ dần phục hồi, phát triển lành mạnh, minh bạch hơn
Lãnh đạo Hiệp hội BĐS Việt Nam dự báo, quý I/2023, thị trường BĐS Việt Nam sẽ thoát khỏi tình trạng suy thoái, nhưng vẫn còn trầm lắng, do trùng vào thời điểm Tết Nguyên đán 2023. Nguồn cung thị trường vẫn hạn chế do quá trình chuẩn bị và triển khai các thủ tục pháp lý dự án cần thêm thời gian.
Ông Phan Đức Hiếu – Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội dự báo thị trường sẽ có nhiều tín hiệu tích cực dựa trên những triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2023. Ông Hiếu cũng kỳ vọng vào sự phục hồi của thị trường BĐS trong năm tới. Theo ông Hiếu, điều tiên quyết là sớm tháo gỡ nút thắt về pháp lý, vốn, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp BĐS, thậm chí phải có giải pháp mạnh để kích cầu (nhất là các phân khúc BĐS …).
Dự báo phân khúc BĐS sẽ tăng trưởng trong năm 2023, ông Nguyễn Chí Thanh – Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết, phân khúc BĐS cao cấp dự kiến sẽ là một trong những kênh đầu tư trung và dài hạn đầy tiềm năng. Bởi tốc độ tăng trưởng tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đang thuộc hàng cao nhất Đông Nam Á với 1,4 triệu người tăng thêm mỗi năm.
Ông Thanh cũng dự báo, thị trường BĐS tháng cuối năm và nửa đầu năm 2023 sẽ vẫn ghi nhận xu hướng tăng giá bán với loại hình BĐS nhà ở. Tại Hà Nội, điểm sáng là khu vực phía Đông khi quy hoạch hạ tầng ngày càng phát triển, các dự án nhà ở được đầu tư đồng bộ, nhiều tiện ích… đáp ứng nhu cầu của người dân. Ở góc độ ngắn hạn, phân khúc bình dân và trung cấp sẽ được quan tâm và phát triển mạnh mẽ bởi đây là phân khúc vẫn luôn có nhu cầu cao trên thị trường.
Ở khía cạnh thị trường Hà Nội, bà Trang Bùi – Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam đánh giá, thị trường BĐS đang tăng trưởng về chất, đặc biệt người mua cao cấp quan tâm đến môi trường sống cân bằng, bền vững hơn là một không gian sống đơn thuần. Vì thế, những đại đô thị hay bất động sản “all in one” có quy mô lớn, được quy hoạch tốt với nhiều tiện ích, trải nghiệm sống độc đáo hấp dẫn khách mua, đặc biệt đối với những khách mua để ở. Trong đó, khu Đông và khu vực ngoại đô đóng góp chính vào lượng cung mới qua các năm chủ yếu nhờ vào hạ tầng kết nối với các quận nội đô dần được cải thiện.
Cũng theo chuyên gia này, người mua để ở và người mua đầu tư dài hạn chiếm phần lớn trong bối cảnh hạn chế tín dụng. “Người mua quan tâm nhiều hơn đến các dự án đã hoàn thành và cung cấp các tiện ích phù hợp, tình trạng pháp lý rõ ràng, chủ đầu tư uy tín” – bà Trang nhấn mạnh.